DesignBoom, tạp chí kiến trúc – thiết kế hàng đầu tại Italia, mới đây đã ca ngợi ngôi nhà có tên là Bi House của kiến trúc sư Phạm Hữu Sơn là một công trình bền vững sử dụng chiến lược kiến trúc xanh, tạo ra một không gian thông thoáng tự nhiên giống như một khu nghỉ dưỡng…
Những năm gần đây, các kiến trúc sư, với vai trò sáng tạo và trách nhiệm xã hội của mình đã góp phần thúc đẩy các trào lưu kiến trúc xanh tại Việt Nam. Những giải pháp thiết kế xanh truyền thống được sáng tạo để đưa vào các công trình kiến trúc đương đại, tạo nên những làn gió mới mát lành thổi vào các ngôi nhà theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Đầu tiên, đó có thể chỉ là những sáng tạo đơn lẻ khi thể hiện những trăn trở về một khái niệm kiến trúc xanh có thể áp dụng cho Việt Nam, nhưng dần dà, trở thành một phong trào lôi kéo không chỉ kiến trúc sư mà cả các nhà thiết kế nội thất, thiết kế các vật dụng, trang thiết bị, máy móc tham gia vào quá trình xanh hóa ngôi nhà. Màu xanh dần được lấy lại trong các ngôi nhà, những khu dân cư hay trong các quần thể kiến trúc không chỉ đơn thuần là việc đưa cây xanh trở lại với kiến trúc mà còn thể hiện bằng việc sử dụng các vật liệu xanh, thực hành lối sống xanh của người dân.
Nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 5 km về phía Nam, Bi House tọa lạc tại một vùng ngoại ô đang phát triển nhanh chóng với dân số ngày càng tăng, nơi các công trình bê tông hóa dày đặc đang thu hẹp thảm thực vật và không gian xanh tự nhiên. Được xây dựng trên diện tích 80m2, Bi House “tập hợp” quanh mình nhiều nhất có thể các mảng xanh tự nhiên bằng những góc vườn nhỏ ngang dọc đan xen và bố trí lại khắp tòa nhà.
Với ngôi nhà thanh bình này, thiên nhiên và không gian sống trở thành một giải pháp để giải quyết cái nóng gay gắt của địa phương, đồng thời tạo nên một công trình khác biệt với những ngôi nhà đô thị bê tông cốt thép xung quanh. Đưa cây xanh tự nhiên bao quanh khuôn viên cho đến đan xen vào chính cấu trúc, các kiến trúc sư đã khéo léo tạo nên những khu vườn xanh tươi từ trong phòng ngủ cho đến phòng tắm, đồng thời rải rác các mảng xanh thẳng đứng khắp bên trong không gian để tăng thêm không khí mát mẻ tự nhiên. Nhờ đó, một tấm chắn tự nhiên chống nóng, chống ồn và bụi được tạo ra cho những người cư ngụ, đồng thời tạo ra một diện mạo độc đáo cho tòa nhà ở bên ngoài.
Bên cạnh đó, các ô kính lớn được sử dụng linh hoạt xuyên suốt ở các vị trí khác nhau, giúp ánh sáng tự nhiên tràn vào tòa nhà đồng thời giảm thiểu điện năng tiêu thụ, mở ra không gian kết nối bên trong với bên ngoài. “Nhóm kiến trúc sư Phạm Hữu Sơn tạo ra một công trình kiến trúc năng lượng bền vững với Bi House, kết hợp nhiều chiến lược thông gió tự nhiên để giải quyết cái nóng gay gắt của Nha Trang và cải thiện sự thoải mái trong sinh hoạt cho người ở,” tờ DesignBoom viết.
Ngôi nhà còn được mệnh danh là khu nghỉ dưỡng tại gia khi có đầy đủ các tiện nghi như sân vườn, bể bơi trong khuôn viên sân vườn, phòng sinh hoạt chung rộng rãi cùng 3 phòng ngủ riêng tư được bố trí ở tầng 2 – 3 của công trình. Không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, khu bếp – ăn được thiết kế dạng mở liền mạch. Mỗi một không gian đều có cửa kính cỡ lớn kết nối ra sân vườn và bể bơi của ngôi nhà.
Phòng ngủ chính nằm trên tầng cao nhất được bảo vệ khỏi cái nóng bởi một mái cỏ có tác dụng như một sân thượng, giảm bức xạ nhiệt theo hướng từ phía trên xuống. Đối với hai phòng ngủ ở tầng giữa được xem là nơi hấp thụ nhiều nhất nhiệt độ cao vào buổi chiều và khó khăn trong việc thông gió tự nhiên, giải pháp của các kiến trúc sư là tạo một rãnh sâu chia đôi ngăn cách giữa hai không gian kéo dài xuyên suốt từ tầng trệt lên đến sân thượng nhằm tạo khoảng trống thông gió (khoảng thở) cùng một lớp tường thứ hai bao bọc phía ngoài nhằm che chắn, giảm bớt bức xạ nhiệt từ bên ngoài trực tiếp vào bên trong công trình theo hướng ngang.
Kèm theo đó là hai khoảng trống thông gió (giếng trời) được đặt tại vị trí phía sau và phía trên khu vực cầu thang giữa nhà giúp đối lưu không khí và tỏa nhiệt cho toàn bộ ngôi nhà. Những khung sắt tạo hình hoa cổ điển vừa là trụ nâng giúp đảm bảo an toàn cho lớp kính lấy sáng của giếng trời, vừa tạo nên hiệu ứng trang trí duy mỹ cho những bức tường mỗi khi có ánh nắng chiếu qua.
Nội thất trong nhà thiết kế theo hướng hiện đại, tối giản với 3 màu chủ yếu là trắng – xám – đen cùng vật liệu gỗ vừa đủ ấm cúng và cũng dễ đem đến cảm giác dễ chịu. Không chỉ là một ngôi nhà, Bi House còn là phong cách sống của chủ nhân. Công trình kiến trúc này cũng là cách để cộng đồng dân cư xung quanh hiểu hơn về những công trình xanh bền vững và thích ứng với thời cuộc.
Các tin khác:
- Tạp chí Nội Thất số 320 (Tháng 7/2022)
- Bi House Nha Trang được giới thiệu tại tạp chí kiến trúc Archdaily của Mỹ
- pham huu son weaves small green gardens throughout this sustainable home in vietnam
- Công trình SANTO by the sea được đăng tải tại tạp chí Archdaily
- 以希臘的名字呼喚我!越南海岸的聖托里尼之家 Call Me by Your Santo’s Name
- this minimalist whitewashed villa brings greek island architecture to vietnam